Lượt xem: 928

Những biện pháp áp dụng cho người nghiện ma túy đã đủ nghiêm khắc?

Hiện tại, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh quản lý 289 học viên đang điều trị nghiện. Trong đó, nghiện lần đầu là 265 học viên, dưới 25 tuổi 154 học viên, 231 học viên chưa có gia đình, 233 học viên không có việc làm ổn định. Từ con số thống kê cho thấy, người nghiện ngày càng trẻ hóa và số phát sinh mới cũng là vấn đề đáng lo ngại.

    Em L.T.K (huyện Mỹ Tú) học viên đang cai nghiện tự nguyện theo Đề án số 06 của UBND tỉnh. Năm nay K 14 tuổi, nước da rám nắng, vì mưu sinh phải bước vào đời sớm để rồi vướng vào tệ nạn. K kể: "Khi 12 tuổi, em đã xa gia đình làm thuê bằng nghề biển cho một tàu cá ở tỉnh Kiên Giang. Mỗi chuyến đi biển từ 3 - 4 tháng em mới vào đất liền. Tùy vào số lượng đánh bắt mà chủ trả công, nhưng ít nhất cũng 30 triệu đồng cho 1 chuyến đi. Khi được nghỉ ngơi chờ chuyến đi kế tiếp, em cùng các bạn tìm nơi vui chơi. Tụi em bị lôi kéo chơi ma túy đá. Em vào cai nghiện tự nguyện được hơn 1 tháng".


Học viên đang điều trị nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được tuyên truyền về tác hại ma túy, cuối cùng thì tỉ lệ tái nghiện vẫn cao và gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh Ngọc Diễm
    
    Còn trường hợp của học viên H.C.L (huyện Kế Sách), do được cưng chiều nên thường xuyên tụ tập cùng đám bạn "phiêu lưu" trong những cuộc vui. L chia sẻ: "Em chỉ muốn thử cảm giác sử dụng ma túy như thế nào, nhưng đâu biết nếu đã có 1 lần thì sẽ có lần 2, nghiện lúc nào không biết. Em bị đưa vào cai nghiện bắt buộc thời gian 18 tháng, hiện em chỉ mới vượt qua 1/3 chặng đường. Năm nay em phải đón tết ở cơ sở cai nghiện rồi"...

    Điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều người sử dụng ma túy dẫn đến rối loạn tâm thần (ngáo đá) gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp mất kiểm soát hành vi, có những hành động cực kỳ nguy hiểm. Điển hình là trường hợp “ngáo đá” vác dao rượt chém những người hàng xóm và đập phá tài sản, gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân ở xã Hòa Tú 2 (huyện Mỹ Xuyên). Một trường hợp ở xã Phú Tâm (huyện Châu Thành), sau nhiều lần cai nghiện rồi tái nghiện, sự “nhân ái” của pháp luật đã không thể cảm hóa được 1 con người, đối tượng tiếp tục “ngáo đá” rồi phạm tội giết người, hiếp dâm và cướp tài sản... Những đối tượng thường xuyên sử dụng ma túy khi phê thuốc hoặc lúc cần tiền để mua ma túy thì có thể gây ra những hậu quả khó lường.

    Hiện nay, các cơ quan liên quan luôn đẩy mạnh thực hiện việc cảm hóa, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng và tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, giáo dục, cảm hóa, phục hồi hành vi, nhân cách cho đối tượng này vẫn còn không ít khó khăn. Một số đối tượng có lối sống buông thả dẫn đến nghiện các chất kích thích, trong người mang nhiều mầm bệnh hoặc tỏ ra manh động, bất hợp tác với đội ngũ quản lý. Tình trạng sử dụng ma túy chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có khả năng quá tải so với quy mô cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực.

    Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ 01-01-2018) không coi người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy là tội phạm. Chỉ có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vẫn bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý hành chính. Theo Khoản 1, Điều 21, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng.

    Theo Khoản 4, Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định là đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thời hạn áp dụng từ 3 - 6 tháng. Còn theo Khoản 1, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Thời hạn áp dụng từ 12 - 24 tháng.

    Trước đây, Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 từng quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là tội phạm, sau đó Bộ luật này được sửa đổi, bổ sung đã loại bỏ tội danh này. Như vậy, nghiện ma túy không bị coi là tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

    Theo nhận định của ngành chức năng, tội phạm bắt nguồn từ nghiện ma túy gần đây chiếm tỷ lệ đáng kể, đây là tội phạm của mọi tội phạm, từ nó sẽ nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người. Trong khi hơn 90% người sau cai nghiện ma túy tái nghiện ma túy, cứ thế lại một chu kỳ điều trị nghiện lẩn quẩn đầy gánh nặng, mỗi lần tái nghiện lại kéo theo không ít hệ lụy. Như vậy, liệu những quy định hiện hành này đã đủ tính nghiêm khắc, răn đe và đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn xã hội trước thực trạng về ma túy đang báo động hiện nay.
Ngọc Diễm


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 2247
  • Trong tuần: 72,674
  • Tất cả: 11,804,681